Dự hội thảo có Ban Giám hiệu nhà trường, các đồng chí lãnh đạo, viên chức các khoa/phòng, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ và một số xã, thị trấn thuộc huyện Việt Yên, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên, Lục Nam, Hiệp Hòa, Lạng Giang và TP Bắc Giang về dự hội thảo
Hội thảo nhằm thảo luận, phân tích, đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ năm 2019 - nay; chỉ ra những hạn chế về công tác bổi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ chủ chốt cấp xã và nguyên nhân; các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo chức danh, vị trí việc làm đối với cán bộ chủ chốt cấp xã và những vấn đề cần quan tâm để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ chủ chốt cấp xã. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ chủ chốt cấp xã đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tại hội thảo, đã có tổng số 12 ý kiến tham luận theo chủ đề của hội thảo; trong đó, có 7 ý kiến tham luận trực tiếp tại hội thảo.
Các ý kiến tham luận đã làm rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; cơ sở lý luận và thực tiễn về công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo chức danh, vị trí việc làm. Phân tích, đánh giá kết quả công tác bồi dưỡng theo chức danh đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2022; đặc biệt là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bồi dưỡng theo chức danh đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số vấn đề đặt ra cần quan tâm khắc phục như: Về chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã; về khung chương trình, nội dung bồi dưỡng chưa phù hợp; chất lượng bồi dưỡng chưa cao; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng chưa đúng thực chất; cơ chế, chính sách, kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng còn khó khăn, vướng mắc….
Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn tới như: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp bồi dưỡng theo chức danh, nhất là gắn lý thuyết với thực tiễn và bồi dưỡng các kỹ năng; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hằng năm sát với thực tiễn; nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên; giải pháp về quản lý học viên, đánh giá kết quả học tập của học viên; hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, phục vụ hoạt động bồi dưỡng… góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng theo chức danh đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.
Một số kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các cấp như: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm. Đầu tư kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Kiến nghị các Ban Đảng, cơ quan chuyên môn có liên quan phối hợp với Trường Chính trị tỉnh xây dựng khung chương trình bồi dưỡng đối với từng chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã; xây dựng chính sách đối với cán bộ được cử đi học các lớp bồi dưỡng…
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thúy Hoàn, Phó Hiệu trưởng nhà Trường đã đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung để tổ chức Hội thảo của nhóm thực hiện đề tài. Kỷ yếu hội thảo là tập tài liệu rất hữu ích phục vụ tốt công tác nghiên cứu, trước hết là với nhóm thực hiện đề tài để tiếp thu, chọn lọc, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn tới. Các ý kiến phát biểu đều có chất lượng, mang tính thực tiễn cao, đáp ứng mục đích, yêu cầu của Hội thảo; rất nhiều vấn đề lý luận được trình bày với tri thức khoa học. Đây là những ý kiến hết sức quý báu để chủ nhiệm đề tài và các cộng sự thực hiện đề tài tiếp thu, chọn lọc, hoàn thiện những vấn đề lý luận và thực tiễn. Đồng chí yêu cầu nhóm thực hiện đề tài cần nghiên cứu kỹ các tham luận để có đánh giá thật khoa học, đầy đủ, toàn diện về thực trạng công tác bồi dưỡng theo chức danh đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2022; đặc biệt là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bồi dưỡng theo chức danh đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số vấn đề đặt ra cần quan tâm và từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng công tác công tác bồi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; hoàn thiện kỷ yếu Hội thảo và các hồ sơ liên quan. Đề tài được hoàn thành với chất lượng tốt sẽ trở thành công trình khoa học có giá trị, có đóng góp đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của địa phương./.
Sau đây là một số hình ảnh:
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hương
Ý kiến bạn đọc