Trưởng Đoàn nghiên cứu thực tế là đồng chí Lê Đình Vĩ, Phó Hiệu trưởng. Tham gia Đoàn có các đồng chí trong Ban quản lý lớp, phụ trách lớp, một số giảng viên các khoa, phòng cùng 71 học viên đang theo học Lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương năm 2025. Đây là hoạt động bắt buộc trong chương trình khóa bồi dưỡng để bảo đảm phương châm giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn; qua đó, giúp học viên có thêm kiến thức thực tế, hiểu sâu sắc hơn về những kiến thức quản lý hành chính vừa được cập nhật, thấy được vai trò của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Khu di tích Thành Xương Giang - “địa điểm chiến thắng Xương Giang” - Hào khí Xương Giang muôn thuở còn truyền
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Khu di tích Thành Xương Giang, thuộc địa phận phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Trong không khí nghiêm trang và trang trọng, đoàn đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng dân tộc tại Đền thờ các anh hùng nghĩa sĩ Lam Sơn – những người đã lập nên chiến công vang dội trong trận đánh Xương Giang năm 1427, cùng với chiến thắng Chi Lăng (Lạng Sơn) đã góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược suốt 20 năm đầu thế kỷ XV do Lê Lợi lãnh đạo.
Tại buổi nghiên cứu thực tế, học viên được nghe thuyết minh viên giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành và giá trị đặc biệt của những địa điểm chiến thắng Xương Giang – nay chính là khu di tích Thành Xương Giang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Chiến thắng Xương Giang là minh chứng sinh động cho tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Bắc Giang và khát vọng độc lập dân tộc của nghĩa quân Lam Sơn, của nhân dân Bắc Giang dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Nhiều học viên bày tỏ xúc động khi tận mắt chứng kiến các hiện vật khảo cổ còn được lưu giữ tại khuôn viên thành cổ, cảm nhận được chiều sâu của lịch sử dân tộc và những giá trị còn vang vọng đến hôm nay.
Ngoài việc tìm hiểu các nội dung lịch sử, đoàn còn được đại diện Ban quản lý di tích chia sẻ về những nỗ lực trong công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di tích gắn với phát triển du lịch văn hóa – lịch sử của địa phương. Thông qua đó, học viên có cái nhìn thực tế hơn về vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang – Nơi lưu giữ những ký ức hào hùng
Tiếp nối chương trình, đoàn nghiên cứu thực tế đến tham quan Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, nơi lưu giữ và trưng bày trên 10.000 hiện vật quý hiếm phản ánh tiến trình lịch sử, văn hóa và đời sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang từ thời tiền sử đến hiện đại.
Tại đây, đoàn được chia thành từng nhóm nhỏ để tiện theo dõi các chuyên đề như: Lịch sử hình thành vùng đất Bắc Giang; Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu; Các phong trào cách mạng và kháng chiến của nhân dân Bắc Giang; Thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, Bảo tàng tỉnh còn sử dụng nhiều hình thức trình bày hiện đại, trực quan, sinh động như phim tài liệu, mô hình 3D, thuyết minh tự động,… giúp học viên tiếp cận thông tin một cách trực tiếp, hấp dẫn và dễ tiếp thu.
Phát biểu kết thúc chuyến đi, đồng chí Lê Đình Vĩ nhấn mạnh: “Hoạt động nghiên cứu thực tế không chỉ giúp học viên hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử - văn hóa của tỉnh Bắc Giang, mà còn góp phần hình thành kỹ năng quan sát, tổng hợp, đánh giá vấn đề từ thực tiễn – một yêu cầu quan trọng đối với cán bộ, công chức hiện nay.”
Nhiều học viên cho biết, chương trình không chỉ giúp họ “mắt thấy, tai nghe” những kiến thức quý báu về lịch sử địa phương mà còn gợi mở nhiều suy nghĩ, trăn trở về trách nhiệm của người cán bộ trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng thời không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, phục vụ nhân dân.
Chuyến nghiên cứu thực tế không chỉ góp phần bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học viên mà còn tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa học viên với cán bộ giảng viên, giữa học viê với nhau. Đây cũng là dịp để học viên thêm tự hào về quê hương Bắc Giang – vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử cách mạng.
Kết thúc chuyến đi, các học viên bày tỏ niềm xúc động, sự biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác, góp phần xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Một số hình ảnh chuyến đi nghiên cứu thực tế của Lớp


Đồng chí Lê Đình Vĩ cùng đoàn nghiên cứu thực tế dâng hương tại Khu di tích Thành Xương Giang, thành phố Bắc Giang
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Thành Xương Giang
Đoàn tham Bảo tàng tỉnh Bắc Giang